Đập cầu là kỹ thuật được yêu thích nhất trong bộ môn cầu lông. Hầu như người chơi nào dù là chơi lâu năm hay vừa mới bắt đầu làm quen cũng đều mong muốn thành thục động tấc đập cầu trước tiên, bởi nó đem lại sự phấn khích khi giành được điểm, đồng thời kỹ năng đập cầu cũng phần nào thể hiện được trình độ của người chơi. Sau đây mình xin giới thiệu chi tiết cho các bạn về kỹ thuật đập cầu, dành cho các bạn mới bắt đầu chơi hay những bạn chưa có được cú đập cầu hoàn hảo nhất.
1. Kỹ thuật đập cầu là gì?
Đập cầu là một kỹ thuật tấn công, người chơi sẽ thực hiện một cú đánh mạnh từ trên cao, ở vị trí cầu cao nhất, làm cho cầu đi nhanh về phía phần sân đối phương với tốc độ càng nhanh càng tốt. Đập cầu là kỹ thuật có xác suất ghi điểm nhiều nhất, do đó kỹ thuật đập cầu càng thuần thục, tốc độ đập cầu càng nhanh thì càng dễ giành phần thắng trước đối thủ. Kỹ thuật đập cầu bao gồm đập cầu đổi chân tại chỗ, đây là kỹ thuật đập cầu lông cơ bản, và kỹ thuật bật nhảy đập cầu.
2. Cách thực hiện kỹ thuật đập cầu
a/ Tư thế chuẩn bị:
– Chuẩn bị trong tư thế đợi cầu, hai chân đứng dang rộng, gối hơi khuỵu, tay cần vợt giơ cao ngang trước mặt.
– Hạ thấp tầm mắt ở ngang mặt lưới, mắt dõi theo cầu.
b/ Chuyển động của vợt và cơ thể
– Khi đối phương đánh cầu sang cao phía trên đầu thì lập tức xoay người sang phía tay cầm vợt (tay thuận), trọng tâm chuyển sang chân phía tay cầm vợt.
– Tay cầm vợt đưa ra sau, đầu vợt hướng lên cao. Tay còn lại giơ cao trước mặt.
– Vai bên tay thuận hạ thấp về phía sau, vai kia nâng cao hướng về phía cầu.
– Tư thế uốn căng về phía trước hình cánh cung. Sau đó đạp mạnh chân phía sau, kết hợp xoay hông, lưng, vai, tay cầm vợt vung lên cao ra phía trước. Mặt vợt tiếp xúc vuông góc với đường cầu.
– Điểm tiếp xúc cầu ở vị trí cao nhất có thể, chếch trước trán cách trán khoảng 80-90cm. Trong quá trình thực hiện kỹ thuật đập cầu cần kết hợp gập thân người và gập cổ tay để cầu đi cắm hơn.
c/ Kết thúc động tác
– Vợt theo đà đưa từ trên xuống dưới, thân người theo đà tiến về phía trước, chân phía tay cầm vợt bước lên trước để giữ thăng bằng.
– Nhanh chóng quay trở lại tư thế chuẩn bị, hai chân dang rộng, gối hơi khuỵu, vợt giơ cao ngang tầm mắt chuẩn bị cho pha cầu tiếp theo.
Trên đây là kỹ thuật đập cầu lông cơ bản, để tăng sức tấn công cho kỹ thuật đập cầu, có thể kết hợp động tác bật nhảy để tiếp xúc cầu ở vị trí cao hơn, cho pha đập cầu cắm hơn.
3. Những lỗi sai thường gặp khi thực hiện kỹ thuật đập cầu
– Không chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Trong mọi tình huống người chơi cần có thư thế chuẩn bị sẵn sàng cho mọi pha cầu, điều này giúp cho người chơi chủ động hơn trong các pha cầu, khi bị rơi vào thế bị động hoặc không bắt kịp cầu.
– Cầm vợt quá chặt hoặc quá lỏng. Để thực hiện kỹ thuật đập cầu lông đúng cách, người chơi cần thả lỏng tay cầm vợt trong suốt quá trình thực hiện động tác, chỉ khi mặt vợt tiếp xúc với cầu mới nắm chặt tay cầm vợt, tạo lực bộc phát giúp cho pha đập cầu có tốc độ nhanh nhất.
– Bỏ qua động tác của tay không cầm vợt. Khi thực hiện kỹ thuật đập cầu, tay không cầm vợt giơ cao trước mặt có tác dụng định hướng quả cầu trong không gian, giúp người chơi đánh vào quả cầu ở vị trí chính xác nhất, đồng thời giữ cân bằng cho cơ thể.