Cách đánh cầu lông đôi và những chiến thuật cực kỳ hiệu quả cần nắm vững
Để đánh cầu lông đôi hiệu quả, bạn cần phải nắm vững những kỷ thuật cũng như chiến thuật của từng vị trí. Bài viết cách đánh cầu lông đôi sau sẽ là bước đệm để bạn rèn luyện và cải thiện điều đó.
1. Tấn công trong cách đánh cầu lông đôi: Khi trong tư thế tấn công, hai người chơi sẽ đứng ở tư thế trên – dưới, tức người đứng trên và người đứng dưới
Người phía sau:
Đập cầu: Đây là cách đánh tiên quyết nếu muốn giành chiến thẳng trong cách đánh cầu lông đôi.
Đập cầu thẳng: Nếu bạn đang ở vị trí góc sân, hãy đập cầu thẳng và nhằm vào khoảng trống của vị trí người chơi yếu hơn bên phía đối thủ.
Đập cầu giữa: Đôi khi, bạn nên đập cầu vào giữa nơi đứng của hai người đối phương, cách đánh này sẽ gây rối cho sự lựa chọn ai là người sẽ đỡ cầu của đối thủ. Khi đó, pha trả cầu sẽ kém hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho cú dứt điểm ta sẽ tung ra.
Đập cầu chính người: Đây là một kiểu đánh cầu lông đôi hết sức độc đáo và hơi có phần “khó chịu”. Vị trí yếu nhất của những người đánh cầu lông thường là phía tay cầm vợt, vùng ngang đùi. Vị trí này dù cú đánh thuận tay hay trái tay đều không phát huy hết được sức mạnh.
Điều tiên quyết như đã nhắc ở trên chính là cố gắng đánh cầu càng cắm càng tốt nhằm khiến đối phương khó xoay sở được trong những pha cứu cầu.
Bỏ nhỏ (gài lưới): Đôi khi những pha đập cầu sẽ khiến chúng ta đuối sức, còn thể lực đối phương tràn đầy. Lúc này, những pha bỏ nhỏ, gài lưới sẽ là lựa chọn thích hợp.
Các pha gài lưới thường khó mang về điểm trực tiếp khi người chơi ở trình độ khá hoặc cao, tuy nhiên nó mở ra cơ hội dứt điểm khi khiến đối phương lúng túng xoay sở. Hiệu quả nhất, bạn nên thường xuyên xen kẽ giữa những pha đập cầu và bỏ nhỏ. Tuy nhiên, bạn nên nhớ điểm ghi được cũng vẫn đến từ những pha đập cầu tốt.
Người phía trước:
Chụp lưới: Lối đánh này nếu thực hiện tốt, bạn sẽ không cho đối phương có cơ hội để phòng thủ. Do đó, bạn nên thực hiện động tác cầu lông đánh đôi này ngay và luôn nếu có cơ hội.
Gài lưới: Dù thường cú đánh này không hạ gục đối phương ngay lập tức, nhưng khả năng buộc đối phương phải trả cầu một cách hớ hênh để nhận lấy một cú chụp lưới hoặc một cú đập cầu ngay sau đó. Cách gài lưới cũng theo nguyên tắc như cách đập cầu.
Tạt cầu: Một khi cầu đã qua những vẫn còn bay trên lưới, những cú tạt cầu của người chơi đứng trước luôn khiến đối thủ phải khổ sở và lộ điểm yếu.
2. Phòng thủ trong cách đánh cầu lông đôi: Khi trong tư thế phòng thủ, hai người chơi sẽ đứng ở tư thế song song, tức dàn hàng ngang bên phải bên trái.
Phòng thủ đập cầu
Đẩy cầu sâu, bổng: Đưa cầu lên cao vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho đối thủ tiếp tục đập cầu, tuy nhiên lúc này bạn khó có lựa chọn nào khác. Nếu gài lưới, có thể sẽ bị đánh úp bất cứ lúc nào. Nếu bạn có sức bung, thì hãy bung cầu ra càng sau càng tốt và hy vọng những cú đập cầu sau sẽ bớt rát hay giảm uy lực, lúc này hãy kiếm cơ hội phản công.
Đánh tạt cầu: Đây là lựa chọn cực kỳ hợp lý trong cách đánh cầu lông đôi để bạn chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công. Lúc này, cố gắng đưa cầu vượt qua tầm khống chế và rơi ngay phía sau lưng của người đứng trước (cầu rơi giữa người đứng trước và sau), lúc này đối phương sẽ rất khó để tiếp tục tung ra những cú đập cầu mà khả năng cao sẽ nhường cơ hội đó cho bạn. Nếu thực hiện đúng động tác này, bạn nên chuẩn bị để chuyển sang tư thế tấn công.
Gài lưới: Động tác phòng thủ này rất hiệu quả khi đối phương đứng xa lưới, tuy nhiên, động tác của bạn phải thật chuẩn xác và “ổn”. Nếu gài lưới quá bổng hoặc quá xa, vô tình tạo điều kiện cho đối phương những pha đập cầu chất lượng. Điều quan trọng là bạn gài lưới thì phải bám lưới, vì đồng đội sẽ không biết cú đánh của bạn thế nào, đường cầu bay ra sao, rất khó phản ứng nếu đối phương kịp tung ra những pha gài lưới tương tự.
Đẩy cầu nửa sân: Cú đánh này khá tương tự với tạt cầu, tuy nhiên mục đích của nó chỉ là đưa cầu qua phần sân đối phương, hiệu quả khi người đứng trên tiến quá sát lưới. Dù sẽ khá khó để qua tay người đứng trên nhưng nếu thành công, khả năng đối thủ sẽ tặng cho bạn một cơ hội đập cầu với pha giở cầu cao của họ.
Phòng thủ gài lưới:
Ngoài đập cầu, phương thức tấn công hiệu quả thứ hai của bên tấn công trong cách đánh cầu lông đôi là gài lưới. Chụp lưới là phương án tốt nhất để chống trả những pha bỏ nhỏ, tuy nhiên nếu cầu rơi xuống dưới mép lưới thì phải tùy nghi mà dùng những cú tạt, đẩy, gài lưới hay kéo lưới.
Hiệu quả cũng sẽ theo đó mà giảm dần. Vì vậy, để phòng thủ những cú gài lưới của đối phương một cách hiệu quả, điều tiên quyết là bạn phải sẵn sàng tốc độ và bộ lên lưới nhanh, cùng với kỹ thuật kết thúc lưới chuẩn xác, lúc này đối thủ ắt hẳn sẽ suy xét bỏ đi cách tấn công này, đồng thời mở ra cơ hội để bạn phản công. Nếu đã thuần thục những kỹ thuật này, bạn có thể xem lại bài viết “Kỹ thuật đánh cầu lông đôi nam nữ (P.1): Những lưu ý cần biết” để rèn luyện cho mình những kỹ năng tốt nhất.