Chơi cầu lông có nguy hiểm không? – Các chấn thương trong cầu lông phổ biến mà người chơi thường gặp phải

Cầu lông hay bất kỳ một môn thể thao vận động thể chất nào cũng tiềm ẩn những rủi ro va chạm, nguy cơ chấn thương. Người chơi cần phải trang bị cho mình kiến thức đầy đủ cũng như khả năng xử lý các tình huống không mong muốn. Vậy chơi cầu lông có thể gặp những rủi ro nào, các chấn thương trong cầu lông thường gặp là gì? Các bạn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Trong cầu lông, mỗi phần sân chỉ có từ 1 đến 2 người thi đấu, do đó khả năng va chạm giữa hai người là rất thấp, không như những môn thể thao có số lượng người thi đấu nhiều như bóng đá, bóng rổ. Phần lớn các chấn thương trong cầu lông đến từ việc thực hiện sai động tác, di chuyển không hợp lý, hoặc tập luyện với cường độ quá mức. Sau đây là các chấn thương phổ biến mà người chơi thường gặp khi chơi cầu lông.

1. Các chấn thương trong cầu lông thường gặp ở phần thân trên

a/ Chấn thương khớp vai
Chấn thương khớp vai rất thường gặp trong cầu lông, nguyên nhân là do thực hiện sai kỹ thuật, tập luyện với cường độ quá cao, không khởi động kỹ lưỡng. Các vấn đề thường gặp liên quan đến chấn thương vai:
– Giãn, rách dây chằng bao khớp: Là tình trạng dây chằng ở khớp vai bị giãn hoặc rách do bị căng quá mức. Dây chằng có tác dụng đảm bảo chức năng hoạt động của các khớp, dây chằng bị tổn thương sẽ gây đau nhức và giảm sự linh hoạt của các khớp.
– Viêm gân cơ xoay: Đây là tình trạng bị thoái hoá ảnh hưởng đến một hay nhiều gân của cơ xoay ở vai. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây mất chức năng vận động của vùng vai và cánh tay.
– Đau chóp xoay khớp vai: Việc vận động quá mức có thể dẫn đến cơ chóp xoay bị căng hoặc rách.

b/ Chấn thương cổ tay
Cổ tay là phần có ít cơ bắp để bảo vệ các khớp, đồng thời là bộ phận phải hoạt động liên tục và chịu rất nhiều áp lực. Biểu hiện của chấn thương cổ tay bào gồm sưng tấy cổ tay, đau nhức khó cử động cổ tay, thậm chí nặng hơn là biến dạng cổ tay. Các dạng chấn thương trong cầu lông liên quan đến cổ tay:
– Căng cơ cổ tay: Là tình trạng các sợi cơ bị căng quá mức.
– Bong gân cổ tay: Xảy ra khi cổ tay bị tác động một lực đột ngột quá mức cho phép, làm cho dây chằng cổ tay bị giãn hoặc rách một phần.
– Gãy xương cổ tay: Phần cổ tay có ít cơ bắp để bảo vệ do đó tình trạng gãy xương cổ tay là có thể xảy ra, đây là một dạng chấn thương nghiêm trọng.

c/ Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là thuật ngữ chung dùng để chỉ những cơn đau ở bên ngoài khuỷu tay. Chấn thương này thường gặp ở những người chơi thể thao dùng nhiều đến cánh tay như cầu lông, tennis, đánh golf,… Chấn thương trong cầu lông này xảy ra khi người chơi thực hiện động tác sai kỹ thuật, cánh tay bị tác động lực đột ngột hay quá sức, hoặc tập luyện cường độ cao trong thời gian dài.
Khi gặp phải chấn thương này, người chơi sẽ cảm thấy đau ở vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay, lan rộng xuống cẳng tay và cổ tay. Cảm giác đau đớn sẽ luôn kéo dài kể cả khi để yên và càng đau hơn khi bạn thực hiện các động tác co duỗi tay và nâng vác đồ vật. Ngoài ra, vùng khuỷu tay lúc này sẽ bị ngứa, tê rần, nóng ran và lan đến cánh tay hay xuống tận các ngón tay.

d/ Viêm lồi cầu trong xương cánh tay
Tương tự như viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, đây là tình trạng đau ở phần khuỷu tay nhưng xảy ra ở mặt trong. Viêm lồi cầu trong xương cánh tay hay được biết với cái tên “viêm mỏm lồi cầu trong” – hiện tượng chồi xương thuộc mặt trong khuỷu tay bị sưng ở một trong các gân nối cơ cẳng tay với khuỷu tay. Triệu chứng chính của chấn thương này là nhạy cảm đau và thấy đau ở mặt trong khuỷu tay. Người tập sẽ cảm nhận cơn đau lan xuống cánh tay, càng đau hơn khi cử động gập cổ tay, vặn cẳng tay hướng xuống hay lúc cầm nắm đồ vật.

2. Các chấn thương trong cầu lông thường gặp ở phần thân dưới

a/ Chấn thương đầu gối trong cầu lông
Cầu lông là môn thể thao có cường độ di chuyển cao, do đó phần chân người chơi cũng có khả năng bị chấn thương không kém gì phần thân trên. Trong đó đầu gối là một khớp xướng rất phức tạp, đồng thời là bộ phần nâng đỡ cơ thể. Trong cầu lông người chơi sẽ thực hiện di chuyển đa hướng với gia tốc cao, đột ngột, bật nhảy và tiếp đất với tần suất cao, do đó khớp gối không được khởi động kỹ lưỡng cũng như không đủ khỏe để chịu lực cho cơ thể sẽ rất dễ chấn thương. Dấu hiệu để nhận biết các chấn thương trong cầu lông liên quan đến đầu gối là cảm thấy đau đầu gối, sưng khớp gối, không thể cử động và duỗi thẳng đầu gối dễ dàng như bình thường. Chấn thương đầu gối có thể liên quan đến dây chằng khớp gối, lớp đệm khớp gối, trật khớp gối,…

b/ Bong gân cổ chân
Tình trạng bong gân cổ chân xảy ra khi người chơi bị ngã lật cổ chân, khiến cho dây chằng cổ chân bị giãn đột ngột dẫn tới rách dây chằng. Lúc này người chơi sẽ cảm thấy rất đau một phần mắt cá hoặc toàn bộ vùng cổ chân. Vùng bị thương cũng sẽ dần dần sưng và bầm tím thấy rõ.

3. Cách xử lý và khắc phục chấn thương trong cầu lông

Tùy vào tình trạng của chấn thương mà người chơi cần có cách xử lý phù hợp để giảm đau cũng như tránh việc chấn thương lan rộng và trở nặng.
Đầu tiên khi bị chấn thương cần phải dừng ngay việc luyện tập, sử dược các biện pháp tác động vật lý như chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp để giảm đau cũng như làm giãn cơ và dây chằng.
Cần dành thời gian nghỉ ngơi để các cơ và dây chằng bị tổn thương có thời gian phục hồi, không nên cố sức vận động mạnh khiến cho vết thương trầm trọng thêm.
Đối với các chấn thương nghiêm trọng như đứt dây chằng, nứt xương, gãy xương,… người chơi cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, sử dụng thuốc để giảm đau, các biện pháp vật lý trị liệu để hồi phục, nếu nghiêm trọng hơn có thể cần thực hiện phẫu thuật.

Leave Comments

Scroll
0906 822 642
0906822642