Cầu lông hay bất kỳ một môn thể thao nào đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng khi tập luyện. Người chơi cần có chế độ ăn uống hợp lý, cung cấp đủ dinh dưỡng để cơ thể hoạt động cũng như phục hồi cơ thể và tránh chấn thương. Sau đây hãy cùng mình tìm hiểu chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho người chơi cầu lông nhé!
1. Chế độ dinh dưỡng trong cầu lông: Trước khi tập luyện cầu lông
Trước khi tập luyện cầu lông người chơi không nên ăn quá nhiều vì sẽ gây đầy bụng, làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và sự linh hoạt. Chế độ dinh dưỡng trước khi tập luyện chỉ nên bổ sung một chút thực phẩm để cung cấp năng lượng, các loại thực phẩm có thể dùng như:
– Bánh mì nướng nguyên hạt phết bơ đậu phộng
– Bánh mì hoa quả phết bơ đậu phộng và mứt
– Một số loại trái cây như táo, cam, nho và bưởi
– Vài lát bánh mì ngũ cốc
– Yến mạch
– Sữa chua
– Các loại hạt và nửa chén cơm gạo lứt
– Chuối
2. Chế độ dinh dưỡng trong cầu lông: Trong khi tập luyện cầu lông
Trong lúc tập luyện cầu lông người chơi cũng không nên ăn nhiều thức ăn, mặc dù cơ thể đang trong quá trình tiêu hao năng lượng. Người chơi chỉ nên dành một chút thời gian giải lao để bổ sung năng lượng bằng một bữa ăn nhẹ như chuối, chocolate đen, thực phẩm bổ sung dạng lỏng. Có thể uống các loại nước uống chuyên dùng trong thể thao trong quá trình tập luyện để bổ sung các chất khoáng và điện giải.
3. Chế độ dinh dưỡng trong cầu lông: Sau khi tập luyện cầu lông
Sau khi tập luyện là lúc cơ thể đang “kiệt sức”, mất nước, điện giải và năng lượng, đây là lúc thích hợp nhất để bổ sung lại thật nhiều năng lượng để giúp cơ thể phục hồi. Sau khi tập luyện cần chú trọng bổ sung các nhóm thực phẩm sau để có chế độ dinh dưỡng hợp lý:
a/ Nước
Nước rất quan trọng đối với cơ thể, mất nước có thể dẫn đến cô đặc máu, làm giảm nhịp tim, khiến cơ thể bị suy kiệt. Trong quá trình tập luyện người chơi ra rất nhiều mồ hôi dẫn đến mất một lượng nước lớn, người chơi cần phải bổ sung lại nước ngay sau khi tập bằng nước lọc hoặc các loại nước tăng lực, nước điện giải. Tránh sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích.
b/ Các loại hạt
Các loại hạt như óc chó, đậu phộng, hạnh nhân,… rất tốt dành cho việc tập luyện cầu lông cũng như các môn thể thao khác. Các loại hạt giúp cung cấp nhiều năng lượng, các vitamin E, vitamin B, các chất béo lành mạnh tốt cho hệ tim mạch.
c/ Protein
Protein có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại bánh mì nguyên cám, các loại rau… là thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng dành cho người chơi cầu lông, là nguồn năng lượng tuyệt với giúp phục hồi và xây dựng cơ bắp. Các cơ bị phá vỡ trong quá trình tập luyện cần nguyên liệu để tái tạo cơ mới chắc khỏe hơn và dẻo dai hơn. Protein sẽ là dưỡng chất không thể thiếu cho quá trình trên.
d/ Canxi
Canxi ngoài việc tốt cho xương, giúp xương chắc khỏe, nó còn tốt cho cả cơ bắp. Canxi giúp tăng cường độ dẻo dai và bền bỉ của cơ thể. Người chơi có thể bổ sung canxi bằng các thực phẩm như sữa chua, sữa không béo,…
e/ Carbohydrate
Carbohydrate sẽ thay thế và bổ sung lượng glycogen mà bạn đã tiêu thụ trong quá trình tập luyện cầu lông. Bạn nên tìm đến các nguồn cung cấp carbohydrate đơn giản như đồ uống thể thao, đồ ngọt, trái cây vì chúng sẽ được cơ thể hấp thụ rất nhanh.
4. Thực phẩm phục hồi cơ thể sau tập luyện
Trong quá trình tập luyện sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị chấn thương do tập luyện với cường độ quá cao, tập luyện sai kỹ thuật. Nếu không may dính phải chấn thương, người chơi cần ngừng tập luyện, có biện pháp xử lý chấn thương đồng thời nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để chấn thương nhanh chóng phục hồi.
a/ Protein
Như đã nói ở trên, protein là thành phần quan trọng để xây dựng cơ bắp, bổ sung đầy đủ protein sẽ giúp cơ thể nhanh chóng chữa lành những thương tổn trong cơ bắp. Đồng thời protein giúp duy trì khối lượng cơ thể, không để cơ thể bị mất sức. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt và rau củ…
b/ Trái cây và rau quả giàu Vitamin C
Vitamin C giúp cơ thể tái tạo lại các mô bị tổn thương, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Bạn nên ăn các loại trái cây như kiwi, đu đủ, quả mọng và các loại rau lá xanh vì chúng có chứa nhiều chất có đặc tính chống viêm.
c/ Axit béo omega-3
Chất béo có trong các loại thực phẩm như quả óc chó, cá, hạt lanh, hạt chia được biết đến là các chất có đặc tính chống viêm và có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau chấn thương. Axit béo omega-3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
d/ Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm cùng với protein và các loại vitamin giúp cơ thể nhanh chóng chữa lành các mô và cơ bị tổn thương. Bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn của mình các loại thực phẩm như thịt, cá, động vật có vỏ, đậu, hạt, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt.