Hướng dẫn kỹ thuật Rờ Ve KHÓ mà DỄ dành cho đánh đơn trong cầu lông
Kỹ thuật rờ ve trong cầu lông là một trong những kỹ thuật cầu lông cơ bản mà nhiều vợt thủ luôn muốn đạt tới. Tuy nhiên vẫn có nhiều người thực hiện sai kỹ thuật này dẫn đến dễ bị chấn thương cổ tay. Vậy nên, bài viết hôm nay, ShopVNB sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật rờ ve khó mà dễ trong cầu lông nhé!
Video hướng dẫn chi tiết kỹ thuật rờ ve:
Bạn có thể muốn xem thêm: Top 15 pha đập cầu trái tay cực kỳ bá đạo
1. Cách cầm vợt trong kỹ thuật rờ ve trái tay
Điều đầu tiên mà bạn cần chú ý trong kỹ thuật rờ ve trái tay đó là cách cầm vợt. Trong kỹ thuật rờ ve trái tay thì cách cầm vợt cũng giống như trong thuận tay, tuy nhiên chỉ khác ở chỗ, kỹ thuật rờ ve trái tay thì sẽ tỳ và áp lực từ ngón tay cái vào cán vợt để phát lực, khác với thuận tay là dùng lực từ ngón tay trỏ và một mặt ngửa (trái tay), một mặt úp (thuận tay).
2. Hướng dẫn kỹ thuật rờ ve trái tay hiệu quả trong cầu lông
Trong kỹ thuật rờ ve trái tay bao gồm 3 động tác kỹ thuật giống như bên thuận tay đó là: Kỹ thuật ve phông cầu cao, kỹ thuật ve chặt cầu, kỹ thuật ve đập cầu.
Kỹ thuật ve phông cầu
Trong kỹ thuật ve phông thì có 2 kỹ thuật giống như thuận tay là phông cao sâu thẳng, phông cao sâu chéo, chủ yếu là người chơi cần phải biết cách bẻ mặt vợt tiếp xúc với cầu thì mới có thể hình thành đúng kỹ thuật.
Để thực hiện kỹ thuật ve phông thẳng về cuối sân thì bạn phải đón cầu trên cao, trước mặt, lúc này mặt vợt mở ra và tiếp xúc thẳng với cầu, khuỷu tay và cổ tay phát lực vừa phải đẩy cầu đi cao sâu về phía cuối sân. Còn để có thể phông cầu chéo về cuối sân thì động tác vẫn như ve phông thẳng nhưng lúc này bạn sẽ bẻ mặt vợt xéo khi tiếp xúc với cầu.
Mời bạn xem thêm: Kỹ thuật phát cầu lông cao sâu đúng cách, hiệu quả
Kỹ thuật ve chặt, chém cầu trái tay
Với kỹ thuật ve chặt cầu trái tay thì có động tác ve chặt thẳng và ve chặt chéo. Động tác thực hiện thì tương tự kỹ thuật ve phông bên trên, vẫn đón cầu ở trước mặt nhưng sẽ khác ở chỗ là, mặt vợt khi tiếp xúc với cầu sẽ úp xuống thay vì mở ra như ve phông.
Sau đó dùng lực từ cổ tay và khuỷu tay để ép, chặt cầu xuống qua phần sân đối phương. Ngay cả ve chặt chéo cũng thế, bạn chỉ cần bẻ mặt vợt nghiêng nhiều hơn một chút khi tiếp xúc với cầu để cầu bay chéo xuống.
Trong khi thực hiện kỹ thuật ve cầu hay cho dù những kỹ thuật khác thì bạn hãy nên thả lỏng cơ thể, đừng quá gồng cứng sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển.
Kỹ thuật ve đập trái tay
Kỹ thuật ve đập trong cầu lông là một trong những kỹ thuật ve tương đối khó và cũng ít khi được áp dụng nhiều trong thi đấu. Kỹ thuật này phù hợp với những bạn tự tin về kỹ thuật ve tốt của mình bởi vì nó đòi hỏi bạn phải sở hữu cổ tay cũng như lực tay chắc khỏe.
Hầu hết những kỹ thuật rờ ve trong cầu lông là tương đối giống nhau và cả kỹ thuật ve đập cũng thế. Bạn cần di chuyển chủ động đón cầu trên cao, mặt vợt khi tiếp xúc với cầu sẽ úp xuống để cầu bay cắm xuống phần sân bên đối thủ.
Ở kỹ thuật ve đập, bạn sẽ gập khuỷu tay và cổ tay xuống, sau đó tì ngón cái vào cán vợt nhằm phát lực nhiều hơn để cầu bay nhanh và cắm, khiến đối phương không kịp phản ứng.
3. Cách di chuyển trong đánh ve
Trong kỹ thuật rờ ve trái tay trong cầu lông có 2 tình huống di chuyển: Di chuyển chủ động và di chuyển bị động
Di chuyển chủ động trong đánh rờ ve thường sẽ xuất hiện ít hơn so với di chuyển bị động và sẽ gồm có 3 bước là một bước kép và một bước đón cầu, sau đó quay về lại vị trí trung tâm sân cầu để đón đường cầu tiếp theo.
Còn với động tác di chuyển bị động trong đánh ve thì cũng tương tự đánh chủ động là một bước kép và một bước đón cầu, tuy nhiên trọng tâm sẽ hạ thấp hơn và di chuyển cũng phải với tốc độ nhanh hơn để đáp trả những đường cầu nhanh, thấp từ phía đối phương, sau đó quay lại vị trí trung tâm. Hạ trọng tâm thấp sẽ giúp bạn quay lại vị trí giữa sân sẽ nhanh hơn.
4. Một số bài tập giúp bổ trợ lực cổ tay để đánh ve hiệu quả
Do động tác kỹ thuật rờ ve cầu là kỹ thuật tương đối khó nên bạn cũng ưu tiên tập luyện cổ tay sao cho chắc khỏe để có thể phát lực hiệu quả và hạn chế chấn thương. Dưới đây là một số bài tập với mức độ từ nhẹ đến nặng để bổ trợ thêm lực cho cổ tay.
Bạn hãy nhớ, ở mọi bài tập giãn cơ cổ tay thì bạn cần thực hiện chậm và kỹ để có thể cảm nhận và vận dụng được các nhóm cơ một cách tốt nhất.
Xoay cổ tay
Ở bài tập đầu tiên, thì bạn cần khởi động bằng cách xoay cả hai cổ tay một cách từ từ chậm rãi từ 10-20 vòng, sau đó xoay ngược lại.
Dùng tạ tay
Có thể nói, tạ tay là một trong những dụng cụ cũng như có thể áp dụng được nhiều bài tập bổ trợ nhất cho phần tay. Bạn có thể tập từng tay hoặc hai tay một lúc. Bài tập thực hiện như sau:
Bài tập 1: Tựa cánh tay úp lên một cái ghế thấp hoặc bàn và để lộ bàn tay ra ngoài. Sau đó cầm tạ và nâng tạ lên từ từ bằng cổ tay để cảm nhận. Thực hiện từ 8-12 lần, có thể nâng mức tạ lên nếu quá nhẹ với bạn.
Bài tập 2: Thực hiện tương tự bài tập trên nhưng lần này sẽ ngửa cánh tay lên và cuộn tạ bằng cổ tay từ dưới lên. Thực hiện từ 8-12 lần.
Bài tập 3: Lắc, xoay cổ tay với tạ từ 8-15 lần.